Chào mừng các bạn đến với Blog dành cho các cựu SV Khoa Luật - Đại Học Cần Thơ Khoá 31 (2005-2009)

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Một vài thông tin đến các bạn

Đầu tiên, đây là thông tin có liên quan đến đào tạo sau đại học, vì thế, ai không quan tâm có thể khỏi xem đỡ mất thời gian. Hi hi hi.
Mọi việc là vầy: vừa rồi có một số bạn của chúng ta tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2010 (Khóa 14) của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Ban Quản trị cũng có "gài" người vào thi thử để tìm hiểu thông tin, cùng với sự cộng tác nhiệt tình của một số CTV, nay đã tập hợp được một số thông tin liên quan đến kỳ thi này. Vì vậy, Ban Quản trị quyết định post những thông tin ấy lên Blog để anh em nào có quan tâm thì tìm hiểu thêm với phương châm "cứ đọc, không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang, không sợ bổ ngửa".
Hàng năm, Trường Luật HCM mở một đợt tuyển sinh sau đại học, năm 2010 là Khóa 14.
Các ngành học: Kinh tế, Hình sự, Dân sự, Tội phạm học.
Thời gian: thường là vào khoảng tháng 8 (năm nay là 28/29) nhưng việc đăng ký thi thì vào tháng 5 là hết hạn (năm nay là 12/5).
Điều kiện: tốt nghiệp Đại học Luật (chính quy) từ loại Khá trở lên, loại Trung bình thì cần thời gian công tác tối thiểu 1 năm.
Thủ tục: mua bộ hồ sơ trên trường (giá rẻ lắm), trong đó có các loại giấy tờ để thí sinh điền đầy đủ thông tin vào. Duy nhất chỉ có Lý lịch là cần phải có xác nhận của Cơ quan (đối với người đang có việc làm) hoặc của chính quyền địa phương (đối với người ở không). Các văn bằng, chứng chỉ nộp đầy đủ theo giấy hướng dẫn có trong hồ sơ. Sau đó, đem nộp vào Phòng Đào tạo Sau đại học của Trường, lệ phí xét hồ sơ là 50.000 đồng, lệ phí thi là 300.000 đồng.
Môn thi gồm 3 môn: Triết học Mác-Lênin, Lý luận NN và PL, Ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga). Riêng Ngoại ngữ nếu đủ điều kiện có thể xét miễn, sẽ nói rõ ở phần sau.
Ghi chú: Trường cũng có tổ chức ôn tập trước khi thi khoảng 1 tháng, lệ phí ôn tập là 400.000 đồng/ 01 môn. Ôn tập mỗi môn là 1 tuần (từ thứ 2 đến thứ 7). Tài liệu ôn tập do Trường bán: 50.000 đồng cho cả 3 môn (mỗi môn một quyển). Có thể mua từng quyển.
Địa điểm: nộp hồ sơ, đóng tiền, ôn tập, thi đều được tổ chức tại Khu 1 của Trường, đầu đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4. Chổ này rất dễ tìm vì nằm ngay chân cầu Khánh Hội (giáp ranh Quận 1) và đối diện với Bến Nhà Rồng (còn gọi là Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Sau đây là phần kinh nghiệm thực tế, xin được chia sẽ:
- Thi đạt: không có điểm môn nào dưới trung bình (5 điểm). Tuy nhiên, điểm Ngoại ngữ nói chung là điểm điều kiện, không tính vào kết quả xét tuyển. Tùy theo số lượng tuyển hàng năm sẽ có thông báo điểm trúng tuyển sau khi thi.
- Về Ngoại ngữ (chỉ nói tiếng Anh): thi đầu vào tương đương B Quốc gia, tuy nhiên, không phải có bằng B hay C là miễn đâu nhé. Chỉ xét miễn Ngoại ngữ cho người có bằng TOEFT hoặc IELTS. Trường hợp này là của Anh văn, các loại tiếng khác chưa rõ có miễn gì không. Số điểm cụ thể để miễn của TOEFT và IELTS không rõ lắm (nhưng trong thông báo kèm theo hồ sơ có nêu), chỉ nhớ là ít hơn đầu ra nhiều. Đầu ra Ngoại ngữ TOEFT 450 điểm; IELTS 5.5 điểm.
Phần ôn tập và thi, xin chia ra các trường hợp sau đây:
Đối với các bạn khá, giỏi Anh văn (cở giỏi bằng B hoặc khá bằng C) thực sự (không tính trường hợp bằng thật mà kiến thức giả) thì khỏi ôn cũng được, vì đề thi nằm trong khả năng các đối tượng này.
Đối với các bạn kha khá (khá hơi hơi, bao gồm cả bằng thật mà kiến thức giả) thì nên bỏ ra 400.000 đồng ôn Anh văn. Vì vào ôn chắc chắn sẽ có thêm kiến thức, không được nhiều cũng được ít, không uổng tiền đâu. Biết đâu khi thi gặp lại một số câu quen thuộc, đỡ mất công suy nghĩ.
- Về Triết học và Lý luận: lời khuyên là không nên ôn thi, nhưng tùy các bạn, nếu dư tiền không biết làm gì thì vẫn có thể lên thành phố xài tiền cũng là một ý hay. He he he. Mà tại sao không nên ôn thi? Bởi các lý do sau đây:
+ Triết học: ngàn năm vẫn thế, học thuộc lòng, ai thuộc nhiều thi khả năng đậu cao, ai thuộc ít khả năng đậu thấp, ai không thuộc không thể đậu. Vì thế, hà tất các bạn bỏ ra 400.000 đồng trong một tuần mà các bạn biết trước mình sẽ làm được gì trong việc học và thi với môn này? Tài liệu tham khảo: Giáo trình Triết học Mác-Lênin dùng trong các trường Đại học, Cao đẳng dành cho sinh viên không chuyên, xuất bản năm 2002. Cái này hình như sinh viên nào cũng biết, vì năm đầu tiên học đại học đã bị nó quần mất ngủ một thời gian.
+ Lý luận: cái này thì 50/50, ai muốn ôn hay không thì tùy. Nhưng theo nguồn tin của các CTV thì như vầy: Giáo viên ôn tập sẽ đọc y chang cái gì viết trong tài liệu ôn tập, không có gì mới. Có một phần mới duy nhất trong việc ôn tập là giới thiệu lại đề thi các năm gần đây cho anh em nghiên cứu. Nếu ai muốn bỏ 400.000 đồng để có thông tin này thì cứ việc đăng ký ôn tập. Theo tôi, cái chính để quyết định thành công cũng là tự lực nghiên cứu của các bạn. Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lý luận NN và Pl của Đại học Luật Hà Nội. Có thể mua tài liệu photo giáo trình này tại Thư viên Khoa Luật của CTU với giá 28.000 đồng.
Thông tin thêm: môn Lý luận chỉ tập trung ôn tập và thi phần chung về Nhà nước và pháp luật của Việt Nam; hệ thống xã hội chủ nghĩa cùng với các vấn đề về đổi mới đất nước, hoàn thiện pháp luật. Tức là không phải 100% trong Giáo trình Lý luận NN và PL mà tôi đã giới thiệu ở trên.
Do bài viết quá dài, Blog lại không có chức năng ngắt dòng nên tôi sẽ viết tiếp ở bài sau, các bạn quan tâm nhớ xem tiếp nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét